Vị của bánh tráng dừa Bình Định như thế nào?
Đặc sản bánh tráng dừa với hương vị tuyệt vời đặc trưng của dừa hòa quyện với hương vị mặn mà của mè, hành, tỏi. Được làm với một công thức tuyệt vời, bánh tráng dừa Bình Định được khẳng định như là một đặc sản của vùng quê võ này.
Với loại bánh dừa chính hiệu, người mua về chỉ cần mở gói bánh dừa là nghe mùi thơm rất đặc trưng của món bánh dừa này rồi. Đặc biệt khi nướng lên thì món bánh dậy lên là không thể kềm được nước miếng chảy ra. Vì vậy mà thường khi nướng lên thì thưởng miếng bánh đã bị mất vài miếng nhỏ.
Thành phần của bánh tráng dừa gồm những gì?
Với thành phần hoàn toàn từ tự nhiên, không chất bảo quản, bạn sẽ hoàn toàn yên tâm với sản phẩm bánh tráng dừa do Đặc sản làm quà cung cấp. Thành phần chủ yếu của món bánh tráng dừa Bình Định là gạo, nước dừa, cơm dừa sợi, tiêu, tỏi, ớt, vị tinh vừa đủ.
Cách sản xuất bánh tráng dừa Bình Định
Gạo trước tiên được xoay nhuyễn trộn với nước với lượng vừa phải để bánh tráng ra vừa đủ độ dày và nhanh khô, không bị nứt bánh trong quá trình tráng và phơi khô. Nước hòa trộn với bột gạo là nước dừa và gia vị như ớt, tỏi, tiêu để vị được quyện đều trên miếng bánh.
Trong quá trình tráng, sợi dừa tươi và mè đen được rắc đều lên miếng bánh trước khi úp vung lại để bánh tráng được chín đều và kết tỏa thành một miếng hoàn chỉnh. Sau đó, người tráng lấy ống lấy bánh lăn đều để miếng bánh dính lên và đưa ra khuôn chảo tráng bánh (Khuôn tráng bánh là một miếng vải mỏng bỏ lên trên miệng nồi, bên dưới là nước sôi đun nóng, bột khi đưa vào miếng vải sẽ đông lại do hấp như kiểu làm bánh đúc).
Sau khi tráng xong, bánh được đưa vào vỉ đan bằng tre để đem ra phơi ngoài nắng. cho đến khi khô giòn. Sau đó, được phơi qua sương chiều để bánh dễ gỡ mà không bị vỡ, sau đó lật phơi bề còn lại và cho vào gói bóng.
Cách thưởng thức bánh tráng dừa Bình Đinh như thế nào?
Bánh tráng dừa Bình Định tham gia vào nhiều món ăn như gỏi, cuốn…. Nó có thể ăn kèm vào bún, phở, mì Quảng…, nó có thể ăn một cách độc lập thay cơm.
Cách chế biến thông dụng nhất của món là nướng bánh tráng dừa lên đến khi toàn bánh dậy lên và giòn đều là được. Có thể ăn không hoặc ăn cùng với nước mắm hoặc tương ớt. Bẻ nhỏ để ăn với Mỳ Quảng, Bún…
Ngoài ra, món bánh cũng được dùng làm bánh tráng cuốn bằng cách nhúng nước. Tuy nhiên cách này không được thông dụng lắm vì bánh tráng dừa sẽ thường rất dày và những nước lâu mềm. Đồng thời, món bánh đã gia vị sẵn nên sẽ hơi mằn mặn.
Lịch sử của món bánh tráng Bình Định như thế nào?
Ở Bình Định, cha mẹ dặn con đi đâu cũng phải giắt theo mấy đồng, lỡ “đập bánh tráng” thì sao?
Có nghĩa là giá chiếc bánh tráng quá rẻ, làm bể cái thứ hàng hạng chót đó cũng phải có tiền đền, kẻo ê mặt. Ở vùng quê Bình Định, mỗi nhà nông đều có dự trữ vài ràng bánh tráng ăn thay cơm. Sáng ra đi làm đồng sớm, có thể khỏi nấu cơm, cứ nhúng bậy vài chiếc bánh tráng ăn lót dạ là đủ sức đi cày.
Trưa trưa, đói bụng cũng có thể nhúng nước vài chiếc cũng xong. Cái kiểu ăn bánh tráng ở Bình Định, chắc không nơi nào có. Đó là ăn bánh tráng “chay” không có kèm theo bất cứ loại nhân nào, chỉ việc nhúng nước, giã ớt tỏi, vắt chanh vào nước mắm rồi cuốn lại chấm ăn, rất đơn giản.
Ngay cả học trò Bình Định đi học xa cũng nghiện bánh tráng. Học bài tới mười một, mười hai giờ đêm, bụng đói, có tiếng hô “Bánh tráng nè” thế là đứa thì làm nước chấm, đứa nướng bánh, đứa nhúng nước… xong xúm lại ăn ồn ào, vui vẻ.
Cũng không có nơi nào dùng bánh tráng ướt cuốn bánh tráng chín thành món cuốn như ở Bình Định.
Vào mùa cá, bánh tráng góp phần đặc biệt. Cá nục, cá lồ ô… vào mùa biển yên, nhiều và rẻ hơn cả khoai lang, cá hấp, nướng đều được, xong dùng bánh tráng ướt cuốn rau muống sống, một miếng cá rồi chấm vào nước mắm ớt tỏi.
Vị dai của bánh tráng, giòn của rau muống, ngọt bùi của cá biển làm người ăn không muốn dừng. Vì thế ở Hoài Nhơn, một huyện phía bắc tỉnh Bình Định có câu ca dao: Bánh tráng Bồng Sơn cuốn con cá bẹ/(Như) anh cưới em về có mẹ có cha.
Bồng Sơn, Tam Quan là thị trấn của huyện Hoài Nhơn, nơi có nhiều dừa. Vì thế ở đây có món bánh tráng nước dừa kèm với mè, hành, nướng lên rất thơm và ăn rất hấp dẫn. Xe khách Nam Bắc qua Bồng Sơn đều mua một vài ràng về làm quà.
Cách Quy Nhơn ba chục cây số, hai huyện Phù Mỹ, Phù Cát là vùng đất cát, trồng rất nhiều mì (sắn) nên họ làm bánh tráng bằng bánh mì bột nhứt. Đó là một cách tận dụng lương thực.
Bánh tráng có vai trò đặc biệt quan trọng trong cúng giỗ ở Bình Định. Mỗi khi cúng giỗ, sang hay hèn đều có vài cái bánh tráng nướng đặt trên bàn thờ. Bắt đầu bữa ăn giỗ, âm thanh đầu tiên là những tiếng “cúc, cắc” bẻ bánh tráng sau khi có tiếng mời “cầm đũa” của gia chủ.
Có người cho bánh tráng là thứ lương khô của quân Tây Sơn. Với việc ăn uống dễ dàng không cần nấu nướng nên thuận lợi cho cuộc hành quân thần tốc nhưng Tây Sơn không phải là người làm ra chiếc bánh tráng.
Nhà nghiên cứu Minh Chánh đặt giả thiết là bánh tráng dừa Bình Định có từ đời nhà Trần. Bắt đầu từ việc Trần Nhân Tôn gả Huyền Trân công chúa cho Chế Mân để đổi lấy hai châu Ô và Rí. Sau đó nhà Trần phát triển vào thành Đồ Bàn (là kinh đô của nước Chăm thời đó) hiện nay nằm trong địa bàn tỉnh Bình Định.
Trước khi rút quân, vua Chăm đã ếm bùa trong tất cả nguồn thức ăn, nước uống, dân ngoài Bắc di cư vào Bình Định thời đó ăn, uống đều bị thổ tả. Sau đó, người dân phải sử dụng bùa của Thái Thượng Lão Quân để trừ, trước khi ăn phải vẽ bùa vào giấy và đốt. Sau này, người ta thấy nhiêu khê quá nên sáng tạo ra chiếc bánh tráng.
Điểm đặc biệt của việc tráng bánh dừa Bình Định
Quan sát người làm bánh tráng ở Bình Định, người ta thấy khi đổ bột lên mặt khuôn, bao giờ họ cũng vạch 5 vạch ngang và 4 vạch dọc. Đó là kiểu bùa “Tứ tung, ngũ hoành” để trừ cách ếm bùa của người Chăm. Vì bánh tráng là bùa, có tính cách linh thiêng nên không ở đâu như Bình Định, muốn bẻ bánh tráng trong lúc cúng giỗ, người ta phải đưa lên trên đầu mà bẻ, biểu hiện sự cung kính.
Cách giải thích này nghe có lý nhưng chưa được ai kiểm chứng. Hay chỉ vì bánh tráng quá cần thiết và gắn liền với đời sống dân Bình Định nên người ta tìm mọi cách để chứng minh nó có nguồn gốc ở đất này.